Sau khi xảy ra việc một số chủ đầu tư đem quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trên đất của dự án chung cư thế chấp vay ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Tp.HCM vừa có cảnh báo với các tổ chức tín dụng khi cho vay với các dự án bất động sản cần phải thận trọng, cần siết chặt hơn điều kiện cho vay để tránh rủi ro...
Trong khi người mua chung cư Harmona vô cùng lo lắng thì chủ đầu tư
tiếp tục hứa sẽ sớm trả nợ cho ngân hàng. Ảnh: Tiến Long
“Văn bản này có nội dung theo tinh thần chỉ đạo của UBND thành phố. Trước đó, UBND Tp.HCM đã có văn bản kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo ngân hàng Nhà nước thành phố hướng dẫn các tổ chức tín dụng có liên quan phối hợp với chủ đầu tư thực hiện đăng ký thay đổi nội dung thế chấp theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Bên cạnh đó, UBND Tp.HCM cũng yêu cầu các ngân hàng theo dõi tình trạng của tài sản thế chấp tại các dự án đầu tư, xây dựng nhà ở nhằm kịp thời áp dụng các biện pháp cần thiết, phù hợp để đảm bảo giá trị của tài sản thế chấp, qua đó góp phần giảm thiểu rủi ro và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho các tổ chức tín dụng”, ông Minh nói.
Trong khi đó về phía ngân hàng, hiện tại việc nhận thế chấp bằng các BĐS chưa có sổ hồng rất khó khăn. Thông thường, ngân hàng chỉ cho vay đối với những dự án có liên kết với ngân hàng nhằm đảm bảo rằng tài sản thế chấp sẽ không bị thế chấp ở một ngân hàng khác.
Các ngân hàng cũng cho rằng, việc cho vay đối với các dự án có bảo lãnh, liên kết thuận lợi ở chỗ ngân hàng quản lý được tài sản thế chấp, chứ một ngân hàng tài trợ dự án, rồi lại có một ngân hàng khác cho vay thì đến khi tranh chấp xảy ra sẽ không biết phải xử cho ngân hàng nào.
Trong khi đó, quy trình thẩm định cũng qua nhiều bước và thời gian kéo dài. Đại diện một ngân hàng cổ phần lớn có trụ sở tại quận 3 cho rằng, ngoài việc chỉ cho vay với dự án có bảo lãnh, ngân hàng cũng quy định mục đích vay là để mua chính BĐS đó chứ không nhận thế chấp để vay vốn phục vụ cho các mục đích khác.
“Các chủ đầu tư phải cam kết tài sản đem thế chấp không thế chấp ở ngân hàng khác và trong thời gian bao lâu sẽ ra sổ hồng cho người mua nhà. Nếu sổ hồng chưa ra hoặc người mua nhà có vấn đề gì thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm như thế nào... Tất cả các trường hợp vay dự án đều phải làm thủ tục như thế thì mới đảm bảo BĐS không bị thế chấp nhiều lần như trường hợp tại chung cư The Harmona” - vị đại diện này cho biết.
Mặc dù khi ngân hàng siết điều điện cho vay thì một số dự án của các chủ đầu tư và có tiềm lực tài chính mạnh vẫn liên kết được với các ngân hàng đối tác hay các ngân hàng vốn là cổ đông của các dự án .Điển hình là dự án Vinhomes Liễu Giai của tập đoàn Vingroup,dự án se dự kiến do ngân hàng Techcombank hỗ trợ vốn và dự kiến cho vay tới 70% giá trị căn hộ và lãi suất 0% trong vòng 2 năm.
Càng cận kề ngày hết hạn hợp đồng vay ngân hàng, chị M.Đ., một người dân ở chung cư Rubyland (quận Tân Phú, Tp.HCM) càng thêm lo lắng, tâm trạng như 'ngồi trên lửa'. Năm 2014, công ty tư nhân của chồng chị Đ. đứng tên vay vốn tại một ngân hàng có chi nhánh tại quận 11 với hạn mức là 500 triệu đồng, tài sản đảm bảo chính là căn hộ mà chị đang sống tại chung cư Rubyland.
Từ hai năm nay, mỗi khi đến thời hạn tất toán khoản vay, chị đều được ngân hàng chấp thuận cho vay lại. Nhưng chị Đ. vừa nghe thông tin sắp tới, khi hết thời hạn vay, ngân hàng này sẽ không cho chị đáo nợ. Lý do là vì căn hộ của chị chưa có giấy chủ quyền (sổ hồng - PV).
Chỉ còn một tháng nữa đến ngày đáo hạn mà chị Đ. vẫn chưa tìm được nguồn vốn. Kế hoạch kinh doanh đành phải lùi lại chờ thông tin từ phía ngân hàng. “Giờ nếu phải trả hết tiền mà ngân hàng không cho vay lại thì tôi chẳng biết sẽ lấy nguồn tiền ở đâu ra mà kinh doanh, doanh nghiệp coi như chết cứng”, chị Đ. than thở.
Tại chung cư The Harmona (quận Tân Bình), sau sự việc ngân hàng thông báo 'siết nợ' chủ đầu tư, một số hộ dân đang thế chấp căn hộ để vay tiền ngân hàng mua nhà đã chọn cách lùi thời gian trả nợ lại, chứ không trả nhanh như trước đây. Chị M.T., một người dân đang sống tại chung cư The Harmona, cho hay khi mua nhà chị phải vay ngân hàng 30% giá trị hợp đồng, thời hạn vay là 10 năm.
Để được nhận sổ hồng nhanh chị đã trả nhanh số tiền này nên mới chỉ 3 năm chị đã trả hơn 75% số nợ. Dự định đến cuối năm nay chị sẽ thanh toán xong nợ nần. Thế nhưng, sau khi sự việc vỡ lở và nghe thông tin ngân hàng sẽ chặt chẽ hơn khi cho chủ hộ chưa có sổ hồng vay, chị T. đã ngưng ngay việc trả vốn, chờ có sổ hồng mới thanh toán hết khoản vay.
Chị T. cho biết căn hộ của chị nằm trong số 41 căn hộ bị Công ty CP Thanh Niên mang đi thế chấp ngân hàng để bảo đảm cho một người khác vay nợ. Cuối năm ngoái, thấy chị T. trả tiền nhanh, nhân viên ngân hàng còn khuyến khích chị vay thêm. Nhưng khi vụ việc xảy ra, chị gọi đến ngân hàng hỏi thì nhân viên này trả lời không chắc chắn cho vay lại khi căn hộ chị thế chấp chưa có sổ hồng.
“Giờ sự việc lùm xùm này còn chưa biết kết quả giải quyết sẽ ra sao nên tôi cứ giữ lại một khoản nợ để ràng buộc trách nhiệm với ngân hàng. Giả sử có xảy ra sự cố thì ngân hàng còn có động thái can thiệp, hỗ trợ cho khách hàng. Chứ giờ mà trả hết, mình lại trơ trọi không biết phải xoay xở thế nào...” - chị T. nói.
Theo: Tuổi Trẻ Online
0 comments :
Post a Comment